Ngày 17/3 Ngân hàng Nhà nước đã ra một loạt chủ trương giảm lãi vay, giãn nợ…miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19.
Ngay sau đó, các ngân hàng đã đồng loạt đưa lãi gửi tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về 3,95 - 4,75%. Cụ thể, nhiều nhà băng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất 4,75% cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng và 0,5% cho khoản tiết kiệm dưới 1 tháng.
Trong xu thế này, nhiều NĐT bắt đầu lo lắng đến dòng vốn cho các kỳ gửi ngắn hạn tại các nhà băng. Thông thường, những NĐT có nguồn vốn lớn thường có nhu cầu biến động về dòng tiền nên chỉ gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Vì thế, nếu để tiền trong ngân hàng thì dòng tiền của nhà đầu tư gần như sinh lời rất thấp.
Những nhà đầu tư với tâm thế giữ an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể sẽ vẫn ưu tiên gửi tiền ở ngân hàng. Tuy nhiên, cũng không ít NĐT bắt đầu đặt lên bàn cân để cân nhắc các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và bất động sản
Ghi nhận về thị trường chứng khoán, thị trường này phải đối mặt với hàng loạt cú sốc mạnh do tác động bởi dịch Covid-19 thời gian gần đây. Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường khi phiên giao dịch ngày 23/3 tiếp tục lao dốc mạnh, chính thức rời xa mốc 700 điểm với hàng hầu hết cổ phiếu trụ cột giảm sàn.
Mặc dù Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt để khoanh vùng dịch, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh cũng làm tâm lý NĐT lo sợ bao trùm. Ngoài ra, diễn biến dịch ở châu Âu và Mỹ tăng rất nhanh, chưa thấy được đỉnh dịch khiến nhiều NĐT lo ngại "chỉ số chứng khoán toàn cầu chưa thể ngừng giảm”.
Về thị trường vàng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP Vũ Hán - Trung Quốc giá vàng đã bắt đầu có sự biến động mạnh. Mặc dù ghi nhận giá vàng tăng nhiều so với trước Tết nhưng thị trường này lại bất ổn do ảnh hưởng bởi dịch. Có lúc, giá vàng bán ra ở mức gần 50 triệu đồng/lượng nhưng có thời điểm giá vàng bán ra chỉ còn hơn 43 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia, có thể nhiều NĐT lựa chọn bất động sản làm kênh trú ẩn. Theo phân tích của anh Lê Hữu Q., một NĐT lâu năm thì việc đầu tư vào nhà/đất bây giờ khá an toàn và có nhiều cơ hội mua được sản phẩm tốt, giá tốt nhất. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp BĐS đang có xu hướng đưa các sản phẩm về giá trị thực, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách sau khoảng thời gian thị trường trầm lắng.
Mặc dù thời gian qua thị trường BĐS đối mặt với nhiều thử thách, pháp lý ở nhiều loại hình vẫn còn lấn cấn, trong đó việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá cả leo thang nhưng nhìn chung đây vẫn luôn là kênh đầu tư cho mức lợi nhuận tốt nhất nếu NĐT có tầm nhìn.
Nhu cầu về nhà đất là nhu cầu luôn tồn tại song song với cuộc sống và không thể mất đi. Đây cũng là dòng sản phẩm hiếm khi bị hạ giá, ít biến động về giá và có thể mang lại cho NĐT sự an tâm dài hạn hơn so với các kênh đầu tư khác.
Đặc biệt là trong diễn biến nghiêm trọng của đại dịch viêm phổi cấp Covid-19, khi mà cả thị trường đều đứng yên thì nếu NĐT nào chịu khó luồn lách, tìm kiếm nguồn hàng chất lượng thì chắc chắn khi dịch qua đi sẽ sẵn nguồn cầu tốt để ra hàng.
Song song đó, đây cũng là thời điểm cả thị trường sàng lọc, những NĐT chỉ xem BĐS là cuộc dạo chơi thì sẽ phải nhường sân chơi cho các NĐT có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Với những NĐT nghiêm túc, có tính toán, biết cân nhắc tài chính, lên phương án dự phòng rủi ro và đầu tư có tìm hiểu thì chắc chắn đây là “cơ hội vàng” để học hỏi.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho rằng đây là thời điểm cả thị trường cần nhìn nhận nghiêm túc về cơ hội đầu tư sinh lời trong BĐS. Những NĐT có tầm nhìn dài hạn chắc chắn vẫn tìm ra cách để tiếp cận mức lợi nhuận mong muốn. Đây cũng là lúc NĐT chọn cách phân bổ dòng tiền của họ theo xu hướng chắc chắn, chậm rãi và an toàn hơn.
Hạ Vy
Theo Nhịp Sống Việt
现金流量表、价格表、销售政策、平面图、销售合同……全部合一下载